Gap year là gì

Gap year là gì?Gap year thường là 12 tháng mà bạn quyết định “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình học tập hay làm việc, cho phép bạn tìm đến những kế hoạch khác biệt (so với cuộc sống thường ngày). Đối tượng “gap year” nhiều nhất có lẽ là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học. Tiếp theo là lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn “lao” vào thế giới công sở ngay lập tức, thay vào đó là muốn dành thời gian cho những thú vui, đam mê của bản thân.

Tóm lại, “gap year” là một quá trình nối liền giữa trường cấp III và Đại học, giữa Đại học và công việc hay giữa những bước nhảy việc khác nhau.

Những cách gọi khác của “gap year” là pathway, prep-year, leap year, defer year, bridge-year, drop year, year out, year off, overseas experience (OE) hay foundation year.

4 loại gap year phổ biến

1.     Gap year làm việc

Gọi là gap year công việc bởi những “mối lợi” thu vào đều rất thiết yếu cho công việc của bạn sau này: tích lũy kỹ năng, tiết kiệm tiền của và bắt đầu xây dựng mạng lưới quen biết mới. Nếu bạn quyết định kết hợp chuyến đi làm việc với đi du lịch đây đó, trải nghiệm sẽ cho phép bạn phát triển kỹ năng “sống sót” trong môi trường liên văn hóa, khả năng ngôn ngữ và phát triển hiểu biết về văn hóa địa phương.

Những công việc làm thêm bán thời gian với các yêu cầu kỹ năng không quá chuyên sâu thường khá dễ tìm. Nếu không, bạn cũng có thể thử đi thực tập hoặc đi làm nguyên một năm trời. Những công việc gap year điển hình gồm có:

·         Giảng dạy hay hướng dẫn các hoạt động ngoài trời (lặn, lướt sóng, thả diều, nhảy bungee, trượt tuyết… )

·         Dạy tiếng Anh (hoặc một thứ ngôn ngữ mà bạn thông thạo)

·         Làm việc trong ngành nông nghiệp (trồng cây…)

·         Hướng dẫn viên du lịch/ Điều hành tour

·         Nhân viên bảo trì

·         Công việc hành chính, văn phòng

·         Chăm sóc khách hàng, Du lịch khách sạn, nhà hàng

·         Phát triển cộng đồng

·         Khuyến mãi, Bán lẻ và nghiên cứu thị trường

·         Chăm sóc trẻ em (babysitting, “au pair”)

·         Bảo tồn và phát triển bền vững

Dĩ nhiên là bạn cần phải có được thị thực hay giấy phép làm việc để được làm việc ở nước ngoài, thế nên bạn cần tìm hiểu về những loại thị thực chuyên để đi làm việc ngắn hạn.

2.     Gap year tình nguyện viên

Trải qua một năm trời làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng cộng đồng, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể hứa hẹn mang đến bạn một công việc có trả lương về lâu về dài.

Những công việc tình nguyện thường được rao tin bởi các tổ chức từ thiện, các dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… và các vai trò phổ biến gồm có hành chính, gây quỹ, tổ chức sự kiện, chăm sóc, chơi đùa với trẻ, pháp lý, giảng dạy, bảo tồn và cả thám hiểm.

Nếu muốn đi làm từ thiện ở nước ngoài, bạn nhớ ngó nghiêng các chương trình thực tập quốc tế. Một số chương trình có thể sẽ đòi hỏi một khoản tiền tham gia, còn một số chương trình sẽ hoàn toàn “miễn phí”.

 3.     Gap year của “những đôi chân cột bong bóng”

Rất nhiều sinh viên dành ra cả một năm trời để du hý, hoặc một mình, hoặc với cả nhóm bạn. Các trang mạng Xã hội dành cho giới gap year là nơi mang lại cho bạn nhiều thông tin, ý tưởng, lời khuyên quý giá. Một số trang còn giúp bạn tìm kiếm các chỗ trọ giá rẻ tại nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí còn có các chương trình khuyến mãi cho sinh viên.

Việc đi du lịch trong khu vực địa phương cũng là một phương án với nhiều lợi thế: bạn sẽ chi ít tiền hơn cho chi phí di chuyển, dễ dàng hơn trong khâu tìm việc làm thêm và đôi khi còn tận dụng được sẵn những mối quan hệ trước đó.

 4.     Gap year của “đội” ham họcNói là “nghỉ học để đi chơi” nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn “cắt đứt” sự liên kết với trường lớp trong thời gian này. Nếu muốn, thử theo đuổi các khóa học ngắn hạn vào mùa hè, tham gia các chương trình học trao đổi cũng là một cách học “đổi gió” rất hay. Rất nhiều trường Đại học cũng đề xuất các khóa học nâng cao kỹ năng như văn phòng, tin học và thương mại, hoặc cho phép sinh viên tăng cường hiểu biết trên các lĩnh vực ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, kịch, thể thao…

Có một điều cần lưu ý là những gap year học tập kiểu này sẽ yêu cầu bạn phải chuẩn bị học phí, sinh hoạt phí, phí Internet, chỗ ở, chi phí ăn uống và cả chi phí dịch chuyển.

Làm thế nào để gây quỹ cho một gap year?

Một số ý tưởng giúp bạn làm dày túi tiền trước khi lên đường

·         Làm việc dành dụm trước chuyến đi

·         Làm việc trong suốt chuyến đi

·         Mở một tài khoản tiết kiệm chỉ dành riêng cho chuyến đi

·         Gây quỹ từ các hoạt động, sự kiện do chính mình tổ chức

·         Kêu gọi đóng góp từ gia đình, bè bạn

·         Bán lại những món bạn không còn dùng đến nữa

·         Vay mượn từ chính phủ/tổ chức…

Nguồn: Topuniversities

Xem thêm:

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top