DU LỊCH BIỂN KHÔNG LẠ MÀ… LẠI LẠ

Dân Houston- Texas cũng có một thành phố biển riêng, cách chỉ hơn 1 giờ chạy xe về hướng đông nam- biển Galveston. Tuy nhiên, cũng như Sài Gòn có Vũng Tàu hay Cần Giờ, gần, nhưng bãi biển không đẹp, nước biển không trong. Nên khi muốn có một kỳ du lịch biển tuyệt hơn, dân Houston thường chọn khu vực Pensacola, thuộc tiểu bang Florida, cũng như dân Sài Gòn chọn Phan Thiết thay vì Vũng Tàu vậy.

Với khoảng cách chừng 525- 550 miles (840- 880 km), cho hơn 8 tiếng chạy xe, như trong screenshot từ Google Maps của mình dưới đây, các bạn cũng thấy, tốc độ trung bình để chạy xe là hơn 100 km/h. Đó là xe phải chạy qua nhiều đô thị dọc đường. Với khoảng 2 bình xăng xe, quy ra tiền xăng là 60- 70 đô. Nên những gia đình… bần nông như mình vẫn có thể du ngoạn lai rai mỗi năm đôi lần.

Kể chuyện về biển thì có chi lạ đâu, cũng là sóng, nước, cát… Hơn thế, nếu đem ra so sánh, khéo lại rơi vô cái nhìn “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”- hay trăng nước Mỹ tròn hơn trăng Việt Nam, khu biệt, thiển cận. Tuy nhiên, thật sự là có khác, khác nhiều, tuy biển thì vẫn vậy, nhưng cách đối xử với biển, với du lịch thì… mình đành phải kể ở đây đôi điều.
Chúng ta hầu như ai cũng biết, nước Mỹ nổi tiếng với quyền sở hữu đất đai tư nhân, vĩnh viễn, bất khả xâm phạm… Tuy nhiên, những vùng đất đẹp nhất, quý giá nhất, ví dụ như các công viên quốc gia, các vùng bờ biển, bờ hồ… lại thuộc sở hữu toàn dân. Cư dân, du khách từ khắp nơi trên đất Mỹ đều có quyền đến, du ngoạn trên những vùng đất này.

Các bãi biển thuộc sở hữu toàn dân đều được chính phủ quản lý chặt chẽ, với những luật lệ gay gắt. Ví dụ cụ thể về hành lang quanh bờ biển, các công trình xây dựng đều phải giữ khoảng cách nhất định, thường khoảng nửa km. Trường hợp bờ biển bị xâm thực, lấn vào trong, các công trình xây dựng sẽ buộc phải phá bỏ để bảo đảm khoảng cách hành lang này, cho dù đó có là một khách sạn khổng lồ, kiên cố.

Trên các bãi biển tuyệt đối không có cảnh bán hàng rong, ăn uống, xả rác bừa bãi. Để đáp ứng nhu cầu này của du khách, các nhà quản lý cho xây dựng hàng loạt những căn chòi gỗ nằm cách bờ biển khoảng 150 mét, với mái che, lò nướng, bàn ghế, sàn vui chơi rộng rãi, cùng đầy đủ thùng rác… Du khách xuống tắm biển xong, nếu muốn ăn uống sẽ lên các căn chòi này. Vì vậy các bãi biển luôn sạch gần như tuyệt đối.

Từ bãi đậu xe vào đến bãi tắm luôn có các lối đi đúng quy chuẩn, được lót sàn gỗ, hai bên có lan can. Lối đi này luôn có hai phần, một phần có thể có bậc thang, một phần lát phẳng dành cho xe lăn. Du khách muốn xuống biển phải tuyệt đối đi theo lối đi này, không được xâm phạm dù chỉ một cọng cỏ ngoài hành lang. Nếu chạy nhảy, băng cắt bừa bãi, đạp gãy một cọng cỏ ngoài lối đi, bạn có thể bị tóm ngay lập tức và bị phát rất nặng, không loại trừ có thể phải ra tòa vì… phá hoại môi trường, cảnh quan chung.

Để bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển, trên các bờ biển luôn cắm một cây cờ, màu cờ thay đổi theo mức độ an toàn của bãi biển lúc ấy. Nếu cờ màu xanh lục, du khách có thể bơi lội thoải mái; cờ màu vàng, báo hiệu có sóng lớn, du khách cần cẩn thận; cờ màu đỏ, du khách chỉ được… lội lũm bũm ngay mép nước! Trên các bờ biển luôn có các chòi gác với nhân viên cứu hộ túc trực. Khi biển có dấu hiệu sóng lớn, các nhân viên phải chia nhau, một phần lội xuống biển, đứng tại ranh giới nguy hiểm ngoài cùng; một phần đứng trên chòi quan sát, liên lạc với những người đứng dưới nước, để điều chỉnh vùng nước mà du khách có thể bơi.

Đó là chuyện dưới nước, còn trên bờ… Mình đã có nhiều buổi chiều đi dạo hoặc lái xe trên các cung đường ven biển. Du khách đông nườm nượp, nhưng ngập tràn một không khí thư giãn, thanh bình. Đường sá sạch không tì vết. Những dòng xe chạy chầm chậm, không một tiếng còi, tuyệt đối nhường đường cho khách bộ hành. Dù chỉ một người băng ngang lối đi, đúng hành lang, lập tức hàng chục chiếc xe dừng lại răm rắp.
Hàng trăm hàng ngàn quán ăn, cửa hàng lưu niệm, khách sạn… giá cả chỉ chênh chút ít so với mặt bằng chung. Thực đơn, bảng giá niêm yết đàng hoàng. Thật sự mình không thể nào hình dung ra cảnh chặt chém, nâng giá đầy “ngẫu hứng” ở chốn này. Hành động ấy hẳn nhiên nằm ngoài sức tưởng tượng. Một lời phàn nàn nhỏ của du khách đã là chuyện lớn, huống chi là chuyện tày trời ấy.

Ngoài tắm biển, phơi nắng, còn rất nhiều dịch vụ “vệ tinh”, như đi thăm bảo tàng, đến các vùng sinh thái đặc biệt trong khu vực, chơi dù lượn, mướn tàu thuyền trượt nước… tất cả đều có trên các website du lịch, giá cả, lịch trình công khai, không… co giãn. Và nhất là chúng vừa túi tiền với hầu như mọi du khách, kể cả với mấy thằng… làm mướn nghèo mạt như mình!

Đặc biệt, có nhiều dịch vụ gắn với việc vui chơi, giáo dục nhẹ nhàng cho trẻ em- đối tượng luôn được chăm sóc một cách tuyệt vời nhất. Những bảo tàng thiên nhiên, những trò chơi nho nhỏ, những “gợi ý” mở hướng cho đam mê, cho nghề nghiệp tương lai… Mấy người bạn mình khi dắt theo con đi chơi, đều thống nhất trước với con ở nhà: Khi về sẽ viết một bài “thu hoạch” nhỏ sau chuyến đi. Tùy các con lên ý tưởng sẽ viết gì, chụp hình, quay video để phục vụ cho bài viết ấy… Một cách giáo dục… rất Mỹ, rất trực quan và… sòng phẳng, ở trường chúng cũng thường được học như vậy.

Mùa này, những dòng du khách đổi chỗ cuồn cuộn khắp nước Mỹ. Mùa của vacation, của thư giãn, đi đâu cũng có cảnh đẹp, cũng có điểm để vui chơi, học hỏi, hòa nhập với con người và môi trường xung quanh. Những chuyến đi không có sự căng thẳng, cảnh giác, bất an; đúng nghĩa với du lịch.

Hẹn các bạn, kỳ sau, mình sẽ kể tiếp về đầm lầy, cá sấu trong chuyến đi này…

(NDL)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top