LÀM GÌ ĐỂ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN?

Đây là bài viết của một người đã từng đỗ học bổng chính phủ, gửi đến những bạn đã từng trượt apply, hoặc đang thất vọng về bản thân.

KHÓ KHĂN – KHÔNG DỄ CHỊU NHƯNG LẠI LÀ THIẾT YẾU

Có một thực trạng mình nhận thấy rằng có vẻ như báo chí đang dạy hư độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Hàng loạt những bài báo về bạn X, dành học bổng Y, tại một trường danh giá Z đã khiến hầu hết các bạn trẻ có một cái nhìn thiếu trọn vẹn về những con người đó.

Những hình ảnh mỹ miều này khiến chúng ta vô hình chung có cảm giác các anh, chị ấy sinh ra đã xuất sắc, tài giỏi với danh sách giải thưởng, hoạt động dài vô tận. Nhưng mình đã gặp gỡ rất nhiều anh chị như vậy, Họ đều có những câu chuyện khó khăn, thất bại, thậm chí thất vọng tột cùng về bản thân – những câu chuyện mà chúng ta không ai hay biết. Những danh hiệu của họ chỉ là bề nổi, cái chúng mình cần học tập là cách các anh chị ấy đã đối diện với khó khăn, thử thách như thế nào. Và mình cũng tin chắc nếu không có những khó khăn đó, sẽ không có con người của các anh chị ấy ngày hôm nay.

Thời nay, người ta thường nhìn vào CV, rồi đánh giá, đong đếm giá trị con người nhiều phần dựa vào thành công, thành tích của họ. Nhưng mình thấy sự khác biệt về giá trị của những con người bộc lộ rõ khi họ gặp thất bại, khó khăn hơn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” mà nhỉ?

KHÓ KHĂN – HAY LÀ CƠ HỘI ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Cuộc sống học sinh, sinh viên đôi khi có thể diễn ra khá quay cuồng: vừa học, vừa làm thêm, vừa hoạt động ngoại khóa. Mình cũng từng như vậy: vừa cố gắng học để giữ GPA cao, dành học bổng danh dự của trường; vừa đi học tiếng Anh (vì tiếng Anh của mình trước đó không tốt lắm); vừa hoạt động CLB tiếng Anh của trường và tham gia một số cuộc thi chuyên môn nữa. Mình chỉ biết học và làm mà không có ý thức dành ra thời gian reflect lại bản thân về những điều mình đã làm: tiếng Anh mình vẫn kém phần viết quá là do đâu? Hoạt động câu lạc bộ mình có thể cải thiện gì không?

Và chỉ đến khi làm hồ sơ apply, đặt bút miêu tả từng dự án mình đã thực hiện trong CV, trình bày nguyện vọng, hướng phát triển của mình qua bài luận mình mới thực sự nhìn nhận lại bản thân mình rất nhiều. Chiếc “title” Chủ nhiệm CLB của mình có thể đi kèm nhiều đóng góp hữu ích hơn như thế nào, có thể tận dụng các kĩ năng ngoại khóa vào học tập ra sao, xu hướng các hoạt động mình chọn thể hiện điểm mạnh điểm yếu của mình như thể nào. Và bằng những suy nghĩ đó, mình cảm thấy dù đỗ hay trượt, qua một đợt apply, mình luôn có được giá trị gì đó cho bản thân. Và ngay cả khi mình trượt, mình sẽ biết được mình còn thiếu chỗ nào, và những lần sau điểm mạnh nào mình cần phát huy tốt hơn. Nhờ đó mà suy nghĩ của mình luôn rất tích cực, khi biến khó khăn trở thành một trải nghiệm khám phá.

KHÓ KHĂN – NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG ĐI TÌM QUẢ NGỌT

Quá trình xin học bổng trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong quãng đời đại học của mình. Mình vẫn luôn nghĩ, lúc đó mà mình nản chí không nộp thì chắc sẽ không có ngày hôm nay, không có Purdue, không có những người bạn, người anh, người chị tuyệt vời, không có cơ hội được giúp đỡ thật nhiều bạn trẻ giống như mình ngày trước. Đôi khi khó khăn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn, xứng đáng hơn với mục tiêu “trái ngọt” của mình mà ta cũng không hay biết. Để rồi một khi đạt được mục tiêu, chạm tới một chút thành công nho nhỏ đầu tiên, mình cảm thấy tất cả những vất cả, nỗ lực, khó khăn trước đó là hoàn toàn xứng đáng, và hoàn toàn cần thiết để giúp mình trở thành một con người xứng đáng.

Bản thân mình đang có thật nhiều khó khăn trước mắt, nhưng mình cực kì hào hứng để biến chúng thành cơ hội. Còn các bạn thì sao?

L

Phương Vũ (SHBTP)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top