ĐI HỌC

ĐI HỌC
———-

1/ Việc đi học đang hủy hoại con trai tôi. Tôi cảm nhận rõ điều đó. Sự chán ghét hiện ra trên mặt nó mỗi khi ở trường về. Nó thi trượt tất cả các môn, không đọc sách, ghét thể thao. Sau nhiều bữa tối căng thẳng trong im lặng, cuối cùng tôi bảo nó: Nếu con ghét nhà trường đến thế, thì con có thể bỏ học. Nó gật đầu ngay lập tức.

Đại khái thì chuyện đã diễn ra như vậy với David Gilmour – một ông bố. Như tôi. Và quyết định cho con được bỏ học, với điều kiện phải xem 3 bộ phim do ông chọn mỗi tuần, đã tạo ra bước ngoặt với cuộc đời thằng bé đang cấp phổ thông trung học. Đó là một hành trình dài, vật vã và cảm động, bạn có thể tìm đọc trong cuốn “Cha, con và những thước phim” (The Film Club) – một cuốn hồi ký tự sự, non-fiction.

Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới. Tôi dậy sớm đi làm. Qua góc phố, thấy đám trẻ mặc đồng phục đứng đợi xe bus. Trong mấy chục giây đèn đỏ, tôi nhìn chúng, chỉ thấy một vẻ chán chường. Mệt mỏi, bơ phờ, không hào hứng. Thực ra ai cũng biết, với đám trẻ ở đô thị (ít nhất là như thế), thì ngày khai giảng từ lâu chỉ còn là một thủ tục mang tính hình thức. Chúng đã đi học từ cả tháng nay, thậm chí là suốt cả mùa hè. Để các thày cô kịp nhồi nhét một khối lượng kiến thức nào đó, của một giáo trình nào đó, với vô số chỉ tiêu nào đó – chẳng ai hiểu được.

2/ Từ ngày đầu tiên con tôi cắp cặp đi học đến giờ, đã sang năm thứ 3 rồi, mỗi ngày gặp nó tôi chỉ hỏi: Hôm nay con đi học có vui không?
Trong những năm tháng đầu tiên, nhiều khi nó rất hào hứng, Vui bố ạ, Có bố ạ, thậm chí là Vui lắm cơ bố ạ. Rồi bi bô kể đủ thứ chuyện về cô, về bạn, bằng một niềm cảm hứng mà người lớn chúng ta bất cứ ai cũng phải thèm khát.
Nhưng bây giờ, khi tôi hỏi Con đi học có vui không? Thì câu trả lời thường là, Cũng bình thường bố ạ, hoặc Không có gì đặc biệt bố ạ.

Thế là thế nào? Bình thường? Không có gì đặc biệt? Tôi không thể, và cũng không muốn gặng hỏi hơn. Bởi vì cái tôi muốn biết không phải là những câu chuyện, mà là sự hào hứng của con với trường lớp. Nó mới lớp 3, và điều đó đã không còn. Thật đáng sợ.

Trường học có vui không? – Tôi trở nên ám ảnh với câu hỏi này. Và tôi tìm hiểu. Thì trường học quả thật là không vui lắm đâu. Bởi vì mặc dù ở đó có thày có bạn, những lớp học sáng choang, có sân chơi, căng tin chất đầy đồ ăn… nhưng trường học là những nhà máy thực sự. Ở những nhà máy ấy, học sinh là những công nhân, chúng làm việc cực kỳ kỷ luật trong suốt 12 năm, đóng lon vô số kiến thức, dán nhãn, và sau đó bày bán ra thị trường với giá rẻ mạt vì thừa ế. Nhiều thập kỷ qua, tình hình ấy không thay đổi.

Hãy mở sách giáo khoa của con bạn ra mà xem. Hãy xem những bài toán, những đề tập làm văn, tiếng Anh. Không chỉ khó, chúng nhiều khủng khiếp. Không đứa trẻ nào còn có thể thấy niềm vui học, với một khối lượng bài vở ngồn ngộn và mông lung như thế.

3/ Những ngày qua, tôi im lặng theo dõi cuộc tranh luận lớn về cách đánh vần. Trời ạ, ở xứ tôi, hơn nửa thế kỷ từ ngày lập quốc, người ta đang cãi nhau về cách đánh vần tên nước. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Ai cũng có cái đúng, cái hay cả.

Nhưng tôi tự hỏi, nếu một đứa trẻ mới vào lớp 1, lớp vỡ lòng ấy mà, nó hiểu được những gì người lớn đang cãi nhau xung quanh quyển sách đầu tiên mà nó mở ra, những con chữ đầu tiên mà nó học, thì nó có sợ vãi đái ra không?

Nó có sợ vãi đái ra không, khi mà hóa ra cái “quần” cũng có dăm bảy cách đọc, và nếu đọc không đúng, thì một bác đeo kính này, sẵn sàng nhổ vào mặt một cô nước hoa thơm phức khác.

Nó có sợ vãi đái ra không, khi mà hóa ra việc đọc không phải hồn nhiên như bố nó dạy ở nhà, và nhờ thế mà nó lỡ biết đọc mất rồi. Còn bây giờ thì chính cô giáo nó cũng không biết thế nào mới là đúng nữa.

Nó có sợ vãi đái ra không, khi biết rằng, đó mới chỉ là một cuộc tranh luận về thứ sơ khởi của việc học ở nước nó mà thôi. Trong khi, sách giáo khoa có đến hàng trăm quyển, và việc học thì sẽ kéo dài từ 12 đến 16 năm.

4/ Hôm qua, tôi dự lễ khai giảng của trường con mình. Thày hiệu trưởng già rồi, xưng Ông Nội, lên đọc diễn văn khai giảng. Thầy ề à rằng thì là, Bài diễn văn của ông nội dài lắm, mời các cô và các con lên đọc cùng ông nhá. Thế rồi mấy cặp cô trò lên sân khấu, thày hiệu trưởng cầm 4 tờ giấy dán kín, và đưa ra câu đố: Đây là 1 từ ghép, gồm 1 động từ và 1 tính từ. Cô và trò cùng đoán, đoán trúng được thưởng ngay. 4 từ đó là: Học Giỏi, Ăn Ngoan, Ngủ Ngoan, Chơi Thân Thiện. Đấy, bài diễn văn rất dài của thày hiệu trưởng, chỉ có 4 từ đó thôi. Rồi thày gõ trống khai giảng năm học mới.

Tôi đứng phía sau, nhìn và nghe bọn trẻ cười nói. Mỉm cười nhận ra rằng, đúng rồi, việc đi học cơ bản có thế thôi. Giỏi, Ngoan, Thân Thiện. Cứ như thế, rồi dần nên con người.

Chúng ta – những người lớn, quyết định việc dạy cái gì và học ở đâu của bọn trẻ – dường như chỉ quan tâm đến khối lượng và chất lượng kiến thức. Trong khi khởi thủy của mọi thứ, luôn luôn phải là động lực, là niềm hứng khởi.

Hôm nay, chính thức cả nước vào một mùa khai giảng mới. Có thể cuộc tranh luận đánh vần sẽ còn kéo dài cho đến tối, cho đến mai, cho đến tuần sau. Và chắc chắn sẽ lại có những cuộc tranh luận khác nữa. Nhưng nếu đón một đứa trẻ ở trường về, xin hãy ôm chúng và hỏi: Hôm nay con đi học có vui không?

(Pham Gia Hien)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top