TRAO CHO CON QUYỀN LỰA CHỌN

Lựa chọn và chịu trách nhiệm về kết quả (của lựa chọn) là cách rất tốt để con học kỹ năng ra quyết định. Trao cho con quyền lựa chọn sẽ giúp con cảm thấy có quyền kiểm soát cuộc đời mình, là một bước quan trọng trong sự phát triển của con.

Nhiều bố mẹ thường lo lắng con còn nhỏ, thay con quyết định mọi việc, lâu dần thành thói quen. Kết quả là con thường chờ đợi bố mẹ quyết định, không có chính kiến, từ những việc đơn giản như ăn uống ngủ nghỉ đều phải chờ bố mẹ quyết định, nhắc nhở, kiểm soát. Việc nuôi dạy con như vậy sẽ làm cho bố mẹ ngày càng mệt mỏi. Đồng thời con cũng hạn chế trong việc rèn luyện tính tự giác, tự lập trong cuộc sống và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự học. Muốn rèn cho con khả năng tự học, tự tìm thấy niềm vui trong việc học, bố mẹ cần cởi mở, trao cho con quyền được lựa chọn.

🌳Những lợi ích khi con có quyền tự do lựa chọn:
1. Tránh sự tức giận vì cảm giác bị người khác kiểm soát
2. Xây dựng sự tự tin khi những quyết định của con mang lại kết quả tích cực
3. Nuôi dưỡng cảm giác con là người hữu dụng
4. Dạy con về ý thức trách nhiệm trước những kết quả từ sự lựa chọn của con
5. Bồi dưỡng tư duy sáng tạo vì trẻ con thường có ít định kiến và giàu trí tưởng tượng hơn người lớn
6. Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề vì không phải mọi quyết định của con đưa ra đều có kết quả tích cực, con cần học cách xử lý các vấn đề phát sinh, rút kinh nghiệm để đưa ra quyết định tốt hơn về sau

🌳Những lưu ý khi trao quyền lựa chọn cho con:
– Không đưa ra quá nhiều lựa chọn làm con bối rối, khởi đầu với 2 lựa chọn là tốt nhất. Ví dụ: Con muốn đi công viên A hay B?
– Bố mẹ phải thoải mái với lựa chọn của con. Nếu không, những lựa chọn do bố mẹ đưa ra là chưa phù hợp. Ví dụ: đến giờ cơm bố mẹ hỏi con muốn ăn cơm hay tiếp tục chơi là không phù hợp.
– Nếu con không lựa chọn và ra quyết định trong thời hạn giao ước, bố mẹ sẽ ra quyết định. Hãy cho trẻ biết rõ, nếu con không chọn được, bố mẹ sẽ quyết định cho con.

🌳Những cách để bố mẹ bắt đầu giúp con hình thành kỹ năng lựa chọn ra quyết định:
– Chọn làm việc gì trước. Ví dụ: làm toán hay đọc sách trước? Chơi thể thao hay ăn xế trước?
– Con tự chọn quần áo để mặc
– Con muốn ___ ngay bây giờ hay 5 phút nữa. Ví dụ: Con muốn tắm/đánh răng/tắt TV/ăn cơm/dọn đồ chơi ngay bây giờ hay 5 phút nữa?
– Cho con chọn loại thức ăn (đảm bảo sức khỏe). Ví dụ: con muốn ăn rau cải hay dưa leo? Con muốn uống sữa hay nước cam?
– Cho con lựa chọn hoạt động chung với bố mẹ. Ví dụ: Bố mẹ sẽ chơi với con 20 phút. Con muốn chơi trò gì? Con muốn đi bộ, đạp xe hay đá bóng với bố mẹ?
– Cho con tự chọn quyển sách con sẽ đọc hoặc bạn sẽ đọc cho con nghe. Nó không chỉ giúp con tự tin vì được lựa chọn mà con sẽ thường xuyên chọn sách để đọc hoặc nghe bố mẹ đọc.
– Cho con tự chọn hoạt động ngoại khóa.
– Cho con tự chọn hoạt động vui chơi của mình.
– Để trẻ tự xử lý vấn đề của mình, bố mẹ xác lập mục tiêu và để trẻ tự quyết định làm thế nào để đạt mục tiêu.
– Cho con lựa chọn các hình thức tưởng thưởng.

Bố mẹ nên bắt đầu cho con quyền lựa chọn từ tuổi nào?
Các nhà khoa học cho rằng trẻ nên được trao quyền lựa chọn từ 2 tuổi. Khi bạn hỏi một đứa trẻ “Con muốn ăn táo hay ăn lê?”, điều quan trọng không phải là đứa trẻ quyết định ăn gì mà là đứa trẻ đã đưa ra một quyết định thật sự. Một người có khả năng ra quyết định và ý thức về trách nhiệm sẽ có tính tự giác cao và có khả năng tự học. Vì vậy, hãy trao cho con quyền lựa chọn ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

#Bmycđscc

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top