ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG TỔNG THỐNG NGHÈO

 

Trong 18 tổng thống đầu tiên thì có tới 6 người phải chết trong đói nghèo sau khi rời nhiệm sở.
.. Cái nước Mỹ này chẳng ra làm sao .. cứ tưởng thế nào…

1. Người đầu tiên chết trong nghèo đói là tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ-Thô-mát Giép-phơ-sơn. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc, thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội. Ông mất ngày 4-7-1826, cùng ngày với người tiền nhiệm của mình là Giôn A-đam. Trên bia mộ của Giép-phơ-sơn có khắc: “Nơi yên nghỉ của Thô-mát Giép-phơ-sơn, tác giả của bản “Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ” và Đạo luật Vơ-ghi-ni-a về tự do tôn giáo, đồng thời là cha đẻ của Trường Đại học Vơ-ghi-ni-a”.
Có thể nói, Thô-mát Giép-phơ-sơn là một trong những tổng thống nghèo nhất trong số các tổng thống Mỹ. Suốt cuộc đời ông luôn trong tình trạng nợ nần. Nguồn thu nhập chính từ đồn điền không đủ sống. Trong một lá thư gửi cho cha mình, bà Ma-xơ viết: “Con có thể chịu đựng được tất cả, nhưng con không muốn nhìn thấy cha già cả đến vậy, mà còn phải buồn phiền vì những khoản tiền nợ nần mất khả năng thanh toán”. Cuối cuộc đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên bang Vơ-ghi-ni-a xin bán đấu giá đất tư, nhưng chính quyền tiểu bang từ chối. Chỉ sau khi Giép-phơ-sơn chết, bất động sản của ông mới được đấu giá để trả nợ.
Trong sự nghiệp tổng thống 8 năm của Giép-phơ-sơn, ông còn một món nợ 11.000USD phải trả trước khi rời khỏi Nhà Trắng. Năm 1812, người Anh xâm lược đốt Thư viện Quốc hội nên sau đó, Giép-phơ-sơn đã đem bộ sách sưu tập trị giá 50.000USD của mình bán lại cho Thư viện Quốc hội với giá 23.500USD, lấy tiền để trả số nợ đó. Từ năm 1816 trở đi, ông dồn toàn bộ tâm sức cho các hoạt động của trường Vơ-ghi-ni-a. Giép-phơ-sơn phải huy động các khoản đóng góp ở khắp nơi để xây dựng trường học. Tháng 3-1825, trường đại học này khai giảng, dù mới chỉ có 30 sinh viên. Giép-phơ-sơn vì nghèo đói và làm việc quá sức mà lâm bệnh.
Sau khi thông tin về Giép-phơ-sơn gặp khó khăn trong kinh tế lan truyền, dân chúng khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức quyên góp được 16.000USD nhưng vẫn không đủ để trả những khoản nợ và chi phí y tế cho ông. Ngày 24-6-1826, ông viết bức thư cuối cùng của cuộc đời xin lỗi vì đã không thể tới Oa-sinh-tơn dự hoạt động kỷ niệm 50 năm bản “Tuyên ngôn Độc lập” ra đời để thỏa mãn nguyện vọng cuối cùng là được sống đến ngày 4-7 (quốc khánh Hoa Kỳ). 12 giờ 50 phút trưa, ông ra đi, hưởng thọ 83 tuổi. Sau đó mấy tiếng đồng hồ, người cùng khởi thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” với ông là tổng thống tiền nhiệm – Giôn A-đam cũng ra đi mãi mãi.

2. Giêm Môn-rô, tổng thống thứ năm của Hoa Kỳ, sinh ra trong một gia đình tiểu nông, hoàn toàn không giàu có. Cũng giống như các tổng thống khác, mức lương cơ bản của Giêm Môn-rô khi đó không đủ chi trả cho các khoản chi phí. Ông có một đồn điền. Một phần đồn điền được bán để trả nợ, phần còn lại không nhiều. Ngày 23-9-1830, phu nhân Môn-rô chết vì một cơn đột quỵ là biến cố lớn trong cuộc đời ông. Sau khi hoàn tất thủ tục chôn cất cho người vợ, Môn-rô gần như không còn một xu dính túi. Tình cảnh nghèo đói của tổng thống lúc này đã khiến Quốc hội Mỹ thương cảm mà cấp cho một khoản là 30.000USD. Số tiền này cùng với tiền bán mảnh đất cũng chỉ đủ để trả hết các khoản nợ cũ chứ không thể cải thiện được cuộc sống nghèo đói của ông lúc đó.
Năm 1831, tài sản cuối cùng là ngôi nhà ở Pa-ri và khoảng 1.400ha đất cũng bị ông bán nốt. Từ đó, Môn-rô chính thức trở thành người vô gia cư. Ngày quốc khánh 4-7 năm đó, Môn-rô bị suy tim ở nhà con gái mình rồi lặng lẽ qua đời, hưởng thọ 73 tuổi, trở thành tổng thống thứ ba chết đúng vào ngày quốc khánh.

3. An-đrây Giắc-sơn, tổng thống thứ bảy của Hoa Kỳ, mồ côi cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Họ để lại cho ông một di sản nhỏ. Chẳng bao lâu ông đã tiêu hết. Ông hoàn toàn tự lập, làm việc chăm chỉ để trở thành một điền chủ. Vì bị bệnh mà sau khi từ chức, ông không thể trả hết các khoản nợ của mình. Vào đêm trước khi từ chức, Giắc-sơn đã phải bán một phần đất để trả nợ. Năm 1841, điền trang bông của ông mất mùa. Bảy con ngựa thuần chủng cũng chết. Nhiều bạn bè gây quỹ cho Giắc-sơn nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Ông không muốn lợi dụng danh nghĩa cựu tổng thống để nhận các khoản đóng góp. Các khoản nợ đã khiến ông chán nản và cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông. Ngày 8-6-1845, sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật, ông đã từ trần tại nhà, thọ 78 tuổi. Trong di chúc để lại, ông còn nhắn nhủ con cháu lấy 16.000USD tiền động sản và bất động sản bán để trả nợ.

4. Tổng thống thứ 11, Giêm Pôn-cơ cũng là một tổng thống ra đi vì nghèo đói và bệnh tật. Do quá lao tâm trong bốn năm tại nhiệm nên khi mãn nhiệm, tóc ông đã bạc trắng, cơ thể gầy yếu và bệnh tật nghiêm trọng. Chữa lành bệnh xong, Giêm Pôn-cơ lại lao ngay vào các công việc xã hội nên sức khỏe xấu dần đi. Ba tháng sau đó, ông qua đời khi mới ở tuổi 54.

5. Tổng thống thứ 13, Mi-lát Phin-mo xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nên ngay từ thuở bé đã rất vất vả. Ngày 10-7-1850, Phin-mo lên làm Tổng thống Mỹ. Trong gần 3 năm đương nhiệm, gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Nhìn về các đời tổng thống trước đó, ông kiến nghị chính phủ cấp cho mỗi vị tổng thống mãn nhiệm 12.000USD/năm như món tiền hưu trí. Tuy nhiên, đề xuất của Phin-mo không được Quốc hội chấp thuận.
Sau thất bại tại cuộc tranh cử tổng thống năm 1856, ông Phin-mo dành tất cả tâm sức cho quê nhà. Ông đi khắp nơi quyên góp tiền xây dựng trường học, bệnh viện, thư viện… Tuy nhiên, món nợ cá nhân vẫn đè nặng lên vai. May mắn thay, tháng 2-1858, ông được một góa phụ giàu có tên là Ka-rô-lin để mắt tới. Họ yêu nhau, lấy nhau và người vợ này đã giúp ông thanh toán mọi khoản nợ nần, tạo điều kiện cho ông tiếp tục công việc xã hội. Ngày 8-3-1874, Phin-mo qua đời, thọ 74 tuổi.

6. U-li-xê Gran, tổng thống thứ 18 của Mỹ là một vị tướng tài giỏi trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Xuất thân trong một gia đình điền chủ nhỏ, gia cảnh không giàu sang lắm nên cuộc sống của ông khá chật vật. Ngày 4-3-1877, Gran rời Nhà Trắng. Dù từng được phong danh hiệu anh hùng trong chiến tranh và là quân nhân thứ hai được phong quân hàm thượng tướng, nhưng sau hai nhiệm kỳ tổng thống, vợ chồng Gran chỉ biết trông chờ vào tiền phụ cấp cựu chiến binh 6000USD/năm. Bức bách vì cuộc sống khó khăn, Gran phải viết hồi ký đem bán để lấy số tiền nhuận bút nhỏ nhoi giúp vợ chồng ông vượt qua khó khăn. Ngày 23-6-1885, ông mất vì bệnh ung thư vòm họng, thọ 63 tuổi.

(Cre: Những câu chuyện thú vị)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top