DU HỌC ĐÃ THAY ĐỔI TÔI NHƯ THẾ NÀO?

 

Mình là Yến Nhi, du học sinh tại Sydney, Úc. Với những bạn đã biết mình, mình thường không viết dài trên Facebook nhưng post này mình muốn viết về những kinh nghiệm của mình sau một năm đi du học ở nước ngoài. Có thể khoảng thời gian một năm là khá ngắn để đưa ra lời khuyên cho bất kì ai, mình cũng không dám khẳng định rằng những kinh nghiệm mà mình đã trải qua sẽ phù hợp với mọi người nhưng mình vẫn muốn viết về một một trải nghiệm đã thay đổi bản thân mình nhiều nhất trong vòng 17 năm qua. Đây là những lời tâm sự rất thật lòng của mình thế nên văn sẽ không quá academic .
Dưới đây là 10 điều mình đã học được khi ở Úc. (Post khá dài, ai không muốn đọc có thể skip, mình muốn viết tiếng Việt bởi vì đây là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và mấy post trước mình đã viết tiếng Anh rồi).

1. Chuyện tự lập.

“Đi du học thì phải tự lập”. Chắc hẳn câu nói này vô cùng quen thuộc, đặc biệt là trước khi đi du học. Thú thật, bố mẹ mình nhắc mình rất nhiều lần về vấn đề tự lập nhưng trước đây mình cứ “vâng, dạ” cho xong chứ chả hiểu gì. Mình là đứa con gái được chiều trong “chuyện làm việc nhà”, mình không biết nấu ăn và đến cầm dao thôi mình còn sợ. Mình không biết giặt quần áo cho dù chỉ cần cho vào máy là xong, mình cũng không biết cầm chổi sao cho đúng để quét nhà và mình cực kì lười rửa bát. Điều duy nhất mình biết làm 1 năm về trước là dọn dẹp chính căn phòng của mình. Mẹ mình đã rất lo lắng khi để mình đi du học. Thế nhưng, bây giờ mọi chuyện đã thay đổi. Tất cả những việc trên mình đã làm được một cách đơn giản. Thậm chí, hồi mình mới vào ở trong ký túc xá, mình phải hỏi một chị bạn Hàn Quốc để sử dụng máy giặt và chị ý nhìn mình như từ trên trời rơi xuống vì đây là kỹ năng cơ bản mà mình phải biết. Vô cùng xấu hổ. Khi đi du học, bản thân sẽ bắt buộc phải tự lập, nó giống như là bản năng vậy. Các bạn hãy tưởng tượng như bị bỏ rơi ở trong một khu rừng thì phải dùng la bàn để tìm đường ra đúng không? Du học cũng vậy. Bạn sẽ tự mày mò và tự tìm hiểu mọi thứ, đó là khi bạn tự lập. Và bạn sẽ phải tự lập về mọi mặt chứ không chỉ chuyện làm việc nhà. Thế nên, khi còn ở với bố mẹ, hãy cố gắng tự lập còn nếu không thì du học sẽ là cách tốt nhất để phát triển sự tự lập, tuy nhiên sẽ vất vả hơn một chút.

2. Một Mình hay Cô Đơn?

Khi đi du học, đa phần là bạn sẽ ở Một Mình. Bạn sẽ chỉ có bản thân mình để dựa vào và bạn chỉ nên tin chính bản thân mình. Bạn làm mọi việc một mình, bạn tự học, bạn tự đi lại, bạn tự kết bạn, bạn tự hoàn thiện mình. Điều này không có nghĩa là bạn không được phép có bạn bè hay không có cơ hội để có những mối quan hệ mới, du học sẽ mở ra cho bạn nhiều trải nghiệm và những người bạn tuyệt vời. Vì vậy bạn sẽ khó mà cảm thấy Cô Đơn. Nhưng hãy tin mình, những người bạn mới có thể rất tốt và luôn ủng hộ bạn nhưng họ không thể thay bản thân bạn để làm mọi việc. Và vì thế nên bạn lại phải dựa vào chính bạn. Có thể đôi lúc bạn sẽ cảm thấy tủi thân và nhớ nhà nhưng bạn hãy hiểu rằng những khó khăn mà bạn đang trải qua bây giờ giúp cho bản thân bạn mạnh mẽ hơn, hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Với mình, mình thích ở một mình vì đó là khoảng thời gian yên tĩnh và mình thấy một mình là tốt. Mình cũng có rất nhiều bạn mới nên mình không thấy cô đơn. Trước đây mình nghĩ là khi ở một mình chắc sẽ buồn lắm vì không có bạn nhưng du học đã thay đổi suy nghĩ đó của mình.

3. Chuyện học.

Chuyện học là sự tự giác, ngay cả khi bạn không đi du học. Thế nhưng, khi đi du học, chuyện học sẽ đòi hỏi sự tự giác cao hơn rất nhiều so với bạn khi còn ở với bố mẹ vì có thể là có bố mẹ thúc đẩy như hồi còn học ở THCS hay THPT. Du học thì không như thế, đặc biệt là khi bạn vào Đại Học, bạn dành phần lớn thời gian để tự học và lên lớp ít hơn, sẽ không có ai nhắc bạn đi học, nếu như bạn không tự giác thì bạn sẽ trượt môn – đồng nghĩa với việc đóng thêm tiền để học lại. Giáo viên họ không quan tâm tới việc bạn có học hay lười học, đặc biệt là ở những nước Phương Tây thì họ không thúc đẩy sinh viên nhiều như giáo viên châu Á, việc học là trách nhiệm của mỗi học sinh và tương lai của bạn ở phía trước là do chính bạn quyết định. Phải chia sẻ một chút là trước đây khi mình còn học ở Hanoi Academy thì mình cũng không xác định được tương lai mình muốn học ngành gì, mình còn chả biết mình thích gì và mình sống không có mục tiêu nên mình học cũng nửa nửa, chẳng phải loại TOP mà luôn ở giữa. Mình càng không có gì đặc biệt, không đàn, hát và thường xuyên hóng biến xung quanh và buôn chuyện.

Mình muốn vào khoa Luật của trường Sydney University và mình đã thành công. Nhưng sự thành công đó không đơn giản một chút nào. Mình luôn luôn phải cố gắng từng ngày một, tiến lên phía trước cho dù bất kì chuyện gì xảy ra, không được phép nản chí và đòi hỏi sự chăm chỉ không chỉ cho kì thi mà cả năm. Ở Úc họ không tính mỗi kết quả thi như ở Việt Nam, thay vào đó họ có những projects xuyên suốt năm học. Mỗi lần thi nhắc đến là ám ảnh, học tới 1 – 2h sáng và ăn mì cho đỡ đói, chạy projects quanh năm vì mình lấy những môn base Xã Hội nên phải viết luận rất nhiều, tới nỗi mà mình quen tay văn học thuật luôn. Mình cũng phải chạy đi hỏi những anh, chị khoá trên để tìm hiểu thêm về Luật, đi làm thêm ở Law firm trong đợt nghỉ tháng 10 của mình và thư viện là chỗ “yêu thích”, tưởng như mình có thể ngủ luôn ở đấy vậy đó. Lúc nào mình cũng bận và cảm giác như sắp nổ tung. Nếu như mình không viết ra những khó khăn này thì mọi người có thể sẽ không cảm nhận được nhưng mình đã vượt qua vậy đó. Mình tự học, tự giác và dựa vào chính bản thân mình. Có một điều quan trọng nữa là bạn phải học đúng phương pháp và hiểu hệ thống chấm thi/projects một cách thông minh thì mới có thể đạt được điểm số mà mình mong muốn. Bạn chăm chỉ không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn thành công 100% nhưng đó là yếu tố 70% nắm giữ sự thành công của bạn. Khi đi du học, mình hoàn toàn thay đổi, nhất là trong chuyện học. Ai mà nghĩ rằng con bé hóng hớt ngày xưa lại trở thành luật sư cơ chứ? Mình cũng tự nhận ra rằng cách sống trước kia của mình không đẹp, không tích cực và càng không phù hợp cho tương lai của mình, vậy nên mình đã loại bỏ nó.

4. Giờ giấc và phương tiện công cộng.

Ở Phương Tây, họ luôn đúng giờ. Không sai một giây. Và mình trước đây thì muộn giờ nổi tiếng. Mình muộn tới mức mà bạn bè của mình đã quá quen rồi, có thể là nếp sống của người Hà Nội “không vội được đâu”? Mình lúc nào cũng đi học muộn, 8h30 học thì có khi nửa tiếng hay thậm chí là một tiếng sau mình mới tới và mình có 365 lí do cho mỗi lần đi muộn. Ngày nào mà mình không “ngồi” ở trong sổ Sao Đỏ thì chắc hôm đấy trời mưa to. 9 năm học thì không một khai giảng nào mình tới sớm. Còn khi đi chơi nếu mà hẹn 9 giờ sáng thì cứ căn khoảng một tiếng sau mọi người sẽ có mặt đầy đủ vì mình kiểu gì cũng muộn. Nhưng khi mình đi du học thì mọi chuyện chắc chắn sẽ phải khác. Mình đi học một cách nghiêm túc, 10h sáng vào học là đúng 9h30 hoặc 9h45 có mặt ở trường, cả năm nay mới đi muộn hai lần. Có cuộc meeting của câu lạc bộ nào là mình đều đi đúng như trong hẹn, không sai một phút. Tuy nhiên khi đi chơi thì mình vẫn cao su 15 phút tới nửa tiếng, mình nghĩ là có thể tha thứ được . Mình phải rèn luyện bản thân như thế vì mình phải di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu chứ không phải đi bộ từ nhà tới trường như trước kia. Nếu như mình muộn một chuyến bus thì mình phải chờ 15 phút sau mới có một chuyến khác và nếu thế thì mình lại muộn học, kiến thức mới lại trôi đi, mình thì không thể bắt kịp. Thế nên mình luôn phải nhắc bản thân dậy sớm nhưng không có gì là không thể sai lệch cả. Có mấy lần mình bị ngủ quên do mệt mỏi quá và thế là mình lại phải chạy theo xe bus để nó không bỏ mình lại. Mình ghét nhất là phải đuổi theo xe buýt vì vừa ăn sáng xong và nhiều lúc họ còn không chờ mình nữa nhưng cũng không thể trách họ được. Họ phải chạy đúng giờ như trên thông báo, vậy nên chỉ có mình chờ bus chứ bus không bao giờ chờ mình.

5. Chuyện bạn bè.

Tới một môi trường mới thì sẽ có những người bạn mới. Họ đến từ nhiều nước khác nhau, như từ châu Á tới châu Âu, hay kể cả châu Phi. Úc là một nước đa sắc tộc vậy nên sẽ dễ có cảm giác thân thuộc khi gặp người đồng hương nhưng cũng có cảm giác kết nối được với nhiều châu lục. Người Úc cũng khá thân thiện nên bạn không lo về chuyện bị cô lập khi đi du học ở đây. Nếu có một điều mình khuyên mọi người khi đi du học sẽ là hãy cố mở lòng và có càng nhiều mối quan hệ càng tốt. Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy hoà nhập hơn và có lợi cho bạn hơn. Mình tự hào vì có thêm được những người bạn rất tốt bụng, vui tính, luôn quan tâm đến mình và thay đổi những tính xấu trước kia của mình. Bên cạnh đó, cũng có những điều không tốt đẹp xảy ra, cuộc sống mà. Có những mối quan hệ bạn sẽ phải từ bỏ. Bạn phải chấp nhận. Đúng, bạn sẽ vô cùng đau lòng trong một khoảng thời gian, bạn luôn đi tìm lí do cho việc tan vỡ của tình bạn, bạn dằn vặt và buồn bã. Con người ai cũng sẽ thay đổi, bạn không thể giữ được người khác khi người ta đã quyết định rời xa bạn. Vậy nên, hãy vui vẻ lên mà sống. Một người rời đi thì ắt sẽ có người khác tới với bạn. Tình bạn thì không nên níu giữ, còn duyên chắc chắn sẽ chơi được với nhau và hết duyên thì hãy để họ đi. Tình bạn cũng không nên hứa hẹn trước tương lai, cứ tận hưởng thời gian khi còn chơi với nhau bởi vì bạn bè thật sự cho dù ở xa hay không liên lạc nhiều với nhau sẽ vẫn nhớ tới bạn. Mình đã trải qua những chuyện như vậy trong chính năm đầu đi du học, mình chấp nhận đánh đổi những tình bạn không thật lòng để đạt được ước mơ là đỗ vào khoa Luật của mình. Có một câu nói mà mình rất thích đó chính là: “Nếu bạn không đi cùng tôi trong bóng tối thì bạn không được phép sánh bước với tôi khi tôi thành công”. Trước đây khi còn ở nhà, mình chỉ thích chơi với một nhóm bạn, chỉ tin tưởng một nhóm bạn và các mối quan hệ khác chỉ là xã giao. Khi đi du học thì mình đã nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng khác đi, mình thân thiện hơn và mở lòng với tất cả những người mà mình yêu quý. Bạn bè của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước nữa.

6. Chuyện học Toán.

Toán là một môn học bắt buộc ở châu Á. Gần như học sinh nào cũng phải giỏi Toán, nếu như không giỏi Toán thì sẽ bị liệt vào “hạng học sinh Tiên Tiến” hoặc thậm chí “hạng Bét”. Và vì vậy, mấy môn Tự Nhiên ở châu Á được đẩy lên vị trí số 1 còn mấy môn Xã Hội bị coi là vớ vẩn. Mà mình thì cực kì dốt Toán. Mình không thích Toán và mình luôn tìm mọi cách để trốn tránh nó. Đến mấy phép tính đơn giản mình còn tính bằng máy tính chứ đừng nói tới phương trình bậc hai, ba hay Hình học. Cá nhân mình thấy môn Toán vô cùng khô khan, toàn những con số khiến cho mình bị hoa mắt. Toán giống như kẻ thù không đội trời chung của mình vậy. Thật may mắn là trong những năm học ở THCS thì mình được dạy bởi thầy Hưng – một giáo viên Toán thứ thiệt tại Hanoi Academy và thầy cũng là Giáo viên Chủ nhiệm 4 năm của bọn mình luôn. Thế nhưng, tình hình vẫn không khả quan hơn cho mình một chút nào, đặc biệt là hồi ôn thi cấp 3, mình còn nhớ là đã vất vả như thế nào khi mình cố nhồi đống Toán đó vào đầu. Khi mình đi du học thì mọi thứ lại khác. Mình thề là sẽ không học ngành gì liên quan tới Toán. Mình chọn Luật vì mình đam mê nó nhưng một phần là không phải học Toán. Điểm số của mình rất cao, cao đến mức mà chính bản thân mình còn ngạc nhiên vì mình được chọn những môn mà mình muốn học trong chương trình Dự Bị nên đương nhiên là mình chọn mấy môn viết luận. Và mình chứng minh cho mọi người thấy rằng không phải cứ học Toán thì mới thành công và Toán cũng không hẳn là môn bắt buộc. Môn Toán cũng không nên là lí do để đánh giá trình độ của bất kì học sinh nào. Bạn có thể chọn học Quan hệ Quốc Tế, học Ngôn ngữ, học Truyền thông, học Triết, học Nghệ thuật nói chung hay học Luật như mình mà không cần phải sử dụng tới môn Toán. Mình không phủ nhận rằng môn Toán là không quan trọng và đúng là môn Toán cần thiết cho nhiều bằng hiện nay nhưng ngay cả khi bạn không học Toán thì bạn vẫn có cơ hội thành công nếu bạn biết cố gắng. Giáo dục Úc đã dạy cho mình điều này và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ khi mình còn ở Việt Nam về môn Toán.

7. Có rất nhiều người giỏi hơn mình.

Khi đi du học, bạn sẽ thấy vô vàn người giỏi hơn mình. Họ giỏi cả về lý thuyết, họ giỏi cả về thực hành. Mình có một anh bạn cũng muốn vào khoa Luật, anh đó rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp về tất cả các môn học, đáng để ngưỡng mộ. Thế nhưng, bạn không nên so sánh bản thân mình với những người đó, điều này khiến cho bạn cảm thấy nhỏ bé hơn và giống như kẻ thua cuộc. Bạn nên so sánh bạn của hiện tại với bạn của quá khứ, nếu như bạn làm tốt hơn thì bạn xứng đáng một cái vỗ vai “Mày giỏi lắm” còn nếu như tệ hơn thì bạn cần cố gắng hơn gấp nhiều lần. Điều bạn cần làm với những người giỏi hơn mình là học hỏi họ, xin họ những kinh nghiệm để bản thân phát triển hơn. Không nên ghen tị với họ hay nghĩ rằng mình là giỏi nhất và trung tâm của mọi thứ. Khi mình đỗ vào khoa Luật, mình cảm thấy rất vui và tự hào vì công sức của mình bỏ ra và mình đã tiến bộ vượt bậc so với quá khứ nhưng trong 5 năm tương lai, mình còn phải cố gắng hơn rất nhiều và trau dồi thêm kỹ năng bởi vì mình biết sẽ có nhiều người giỏi hơn mình lắm.

8. Cứ phương Tây là đúng?

Đa phần phụ huynh cho con đi du học ở nước ngoài, đặc biệt là những nước như Anh, Úc, Mỹ để con họ tiếp cận với một nền giáo dục tốt hơn Việt Nam và tương lai của con họ sáng hơn. Mình đồng ý là nền giáo dục ở Úc vô cùng tốt, mình thích học ở đây và mình muốn ở lại đây. Phương Tây họ có rất nhiều thứ để cho Phương Đông phải học tập, đặc biệt là sự văn minh của họ. Nhưng có phải cái gì của Phương Tây cũng là chuẩn không? Với mình, câu trả lời là không. Ví dụ như đối với văn hoá Á Đông là con cái phải báo hiếu cha mẹ, sống sao cho không bị phạm phải tội bất hiếu. Tuy nhiên, ở Phương Tây thì sau 18 tuổi họ dọn ra ở riêng, sống tự lập và bố mẹ – con cái không còn liên quan mật thiết tới nhau. Khi về già thì bố mẹ họ sống trong viện dưỡng lão, con cái tới thăm vài lần một năm còn nếu bận quá thì không thăm. Mình có một chị bạn người Úc ở Perth và sau khi 18 tuổi thì chị ấy dọn tới Sydney ở, cũng không về thăm gia đình những kì nghỉ, cũng không gọi điện liên lạc thường xuyên và cũng không quan tâm tới cha mẹ lắm. Cá nhân mình không đồng tình với lối sống này, có thể là vì nguồn gốc của mình là người châu Á nhưng mình không thể sống bất hiếu với cha mẹ được. Với mình gia đình là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả tiền bạc và danh tiếng. Ngoài ra những chuyện như lối sống buông thả, tình một đêm hay sử dụng ma tuý của họ thì mình càng không đồng tình. Với họ, đời của ai thì người đấy sống, những hành động của họ sẽ không ảnh hưởng tới ai. Đó là sự ích kỉ. Hành động xấu phản ánh lên nếp sống gia đình và những người bạn xung quanh. Khi đi du học, mình nhận ra rằng không phải Phương Tây là tốt hơn Việt Nam 100%, có những điều mà họ nên học hỏi văn hoá của châu Á.

9. Người Việt Nam nhỏ bé?

Việt Nam là một nước khá nhỏ thuộc khu vực Đông Nam Á, là nước mới chỉ có nền kinh tế đang trên đà phát triển và mới giành được độc lập 44 năm. Có nhiều người khi nhắc tới Việt Nam còn không biết là nước nào. Mình phải nói thật là người Việt khi ra nước ngoài rất dễ bị khinh thường về trình độ học vấn, khả năng nói tiếng Anh hay do tính cách. Mình cũng bị phân biệt bởi một số người Mỹ hay kể cả Úc khi mình tới đây, họ nói rằng mình sinh ra ở một nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, rằng mình không thể viết luận, mình còn quá trẻ, Việt Nam chỉ có chiến tranh và chia cắt, vân vân. Mình ghét nhất là bị coi thường, mình càng ghét hơn khi mình đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn bị coi thường chỉ vì nơi mình sinh ra. Không ai chọn được cha mẹ hay quê hương của mình và đó không bao giờ nên là lí do để phân biệt người khác. Mình không phải là người có tính cách hiếu thắng nhưng mình sẽ chứng minh bằng mọi cách cho những người khinh thường mình phải nhìn nhận mình bằng một con mắt khác. Người Việt Nam không hề nhỏ bé, có thể về mặt thể chất nhưng không bao giờ về mặt ý chí. Để vào được khoa Luật của Sydney Uni, mình không nhỏ bé một chút nào, mình bắt buộc phải có đủ những kỹ năng cơ bản Nghe-Nói-Đọc-Viết thuộc loại giỏi và mình tự tin bước vào khoa đó với các bạn người bản địa. Có thể tuổi của mình nhỏ nhưng tinh thần của mình thì không. Mình tự hào là người Việt Nam, luôn luôn và mãi mãi. Nếu bản thân mình giỏi thì dù là người nước gì cũng có được sự tôn trọng. Thế nên, đừng tự ti mình là người Việt Nam hay mang trong mình suy nghĩ “Việt Nam cái gì cũng dở” nhé!

10. Hãy có niềm tin vào chính bản thân mình.

Điều cuối cùng mà mình muốn khuyên các bạn là hãy có niềm tin vào chính bản thân mình. Chỉ 1 năm trước đây thôi, mình còn không biết là mình thích ngành nào, chỉ biết là đi du học vì rất muốn đi du học và khi đi thì sẽ không quay về (nói vui là đi Lào mình còn đi). Mình cũng chẳng có ước mơ gì, chỉ mong qua môn, vì như mình kể ở trên, mình học ở Việt Nam thuộc loại nửa chừng và đương nhiên là không tự tin tí nào. Nhưng từ khi mình đi du học, mình biết mình thích Luật và mình đam mê nó vì mình may mắn được học tổng quát ở Dự bị. Nói đến Luật thì vô cùng khó, khó từ đầu vào đến đầu ra mà Luật ở Sydney Uni là một trong những khoa danh giá nhất, đứng thứ 14 trên Thế giới và có 7 đời Thủ tướng Úc học tại khoa này. Hồi mới sang nghĩ đến thôi là mình cứ tưởng là mơ, thèm lắm nhưng cũng chả biết được tương lai như thế nào. Thế nhưng, mình có mục tiêu là phải đỗ vào khoa Luật cuối năm nay. Mình cũng không thể đếm hết được có bao nhiêu người cản trở mình vì đầu vào quá khó và vất vả, gần như tất cả mọi người mình nói chuyện với đều khuyên là không nên hay không tin mình có thể làm được. Thật vậy, hồi đó mình còn không tin mình có thể vào được nữa là. Duy nhất chỉ có Mẹ mình là tin tưởng mình, ngày nào cũng thúc đẩy mình cố gắng hơn và động viên mình lúc mình suy sụp nhất. Mẹ mình còn tin mình hơn là mình và tiếp thêm sức mạnh cho mình “chiến đấu”. Mẹ là một người Mẹ vĩ đại. Nếu như không có Mẹ mình thì mình cũng không thể tự tin đến vậy. Thế là mình chia nhỏ mục tiêu của mình ra từng phần, mình hoàn thành những phần nhỏ đó để thành một mục tiêu lớn. Mình có kế hoạch rõ ràng cho từng ngày, từng tuần, từng học kì thì mình nên làm gì. Và mình có ước mơ, mình luôn nghĩ tới nó và biến nó trở thành sự thật. Mình đã thành công. Thế nên mình mong bố mẹ Việt hãy ủng hộ con cái của mình khi chúng có ước mơ, dù cho đó là ước mơ có xa tầm với, miễn là ước mơ tốt khiến chúng tiến bộ hơn. Nếu như bạn có niềm tin vào chính bản thân mình, có kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu và có hoài bão lớn thì mình chắc chắn rằng bạn sẽ thành công.

(Bài viết của Nhi Bui. Trong ảnh là Nhi Bui và Bố)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top