Sự “hoàn hảo” không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản

Người ta vẫn thường ca ngợi Nhật Bản với một nền giáo dục hoàn hảo đỉnh cao. Từ những điều nhỏ nhặt như học sinh không cần làm bài tập về nhà cho đến năm 10 tuổi, phần lớn trường học không thuê lao công mà để các em tự dọn dẹp để ý thức hơn về môi trường, biết tôn trọng công việc của người khác và thành quả lao động của bản thân… đến những chính sách lớn lao của chính phủ nhằm tạo ra một nền giáo dục văn minh, tiến bộ, là mơ ước, khát khao của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng, đằng sau sự hoàn hảo đó là những mặt tối, là những điều dị thường ít ai biết. Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, và bắt nạt trong trường học, áp lực học hành, lo lắng về điểm số, tương lai là những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử, bên cạnh áp lực công việc.

1/9 hàng năm là ngày ám ảnh kinh hoàng của Nhật Bản vì số vụ tự tử tăng đột biến. 

Theo hàng loạt số liệu nghiên cứu, học sinh Nhật Bản thường tự tử vào ngày 1/9 hàng năm. Do đây là ngày đầu tiên bắt đầu năm học mới sau khi kì nghỉ hè kết thúc. Nhà trường thường “ưu tiên những hành vi mang tính khuôn mẫu”, những ai không theo kịp với nhóm, với những điều nhà trường đặt ra sẽ bị bỏ lại, tạo ra tâm lý tự ti, cảm thấy mình thấp kém và suy nghĩ lệch lạc.

Trong số các nguyên nhân tự tử của học sinh, lo lắng cho tương lai là một trong những nguyên nhân phổ biến. Ở một đất nước kỷ luật luôn đặt lên hàng đầu, mọi thứ phải yêu cầu hoàn hảo, học sinh càng phải gồng mình lên chống chọi lại với những áp lực điểm số, thi cử từ chính cha mẹ, thầy cô, bạn bè và ngay cả chính mình.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn chọn cách tự tử vì những ngày tháng đi học của họ là ám ảnh kinh hoàng vì bị bắt nạt.

Tính đến cuối tháng 3/2018, có tất cả 414.378 trường hợp bắt nạt học đường tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng như các trường tư thục trên toàn nước Nhật, tăng đến tận 91.235 trường hợp so với cùng kì năm trước.

Hậu quả của bắt nạt học đường quá kinh khủng đối với nhiều gia đình. Con em họ phải sống trong những ngày tháng u uất mà chính họ chẳng hề hay biết. Buổi sáng trước khi chào bố mẹ đến lớn, những đứa con vẫn tỏ ra vui vẻ để bố mẹ yên lòng, nhưng khi đến trường, chúng lại mang bộ mặt sợ hãi, vì bất cứ lúc nào cũng có người sẵn sàng đánh đập chúng, dù chúng chẳng làm gì. Càng tỏ ra sợ, học sinh Nhật càng dễ bị bắt nạt và những kẻ có máu bắt nạt người khác trong người lại càng thích hành hạ.

Nhiều trường hợp bắt nạt học đường rất nghiêm trọng dẫn đến việc các nạn nhân bị tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Số lượng học sinh Nhật bị ảnh hưởng thể xác và tâm lý năm 2018 lên đến 474, tăng 78 trường hợp so với năm 2017.

Dữ liệu từ Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy 320 học sinh ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tự sát trong năm 2016.

Trong đó, cái chết của 116 em liên quan trường học (gồm 34 trường hợp tự tử vì điểm kém và 6 do bị bạn học bắt nạt), 75 em xuất phát từ vấn đề gia đình và 25 em do quan hệ cá nhân.

Các chuyên gia và giới chức trách cho biết vấn đề bạo lực học đường nghiêm trọng hơn tại Nhật Bản do nét văn hóa truyền thống mang tính thủ cựu, đề cao tính nhất quán. Những cái tôi khác biệt thường bị đem ra chế giễu và trở thành đối tượng bị bắt nạt. Vấn đề bắt nạt tại Nhật Bản khác so với các nước khác ở điểm học sinh Nhật Bản thường bắt nạt bạn bè theo từng nhóm, chứ không phải vài người.
__________

☀️ Công ty CP phát triển giáo dục Chìa Khóa Vàng ☀️

🏤 P402, số 14 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

☎️ Hotline: 090 344 7016

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top